Phạm Quốc Bảo
Cuối Tháng Hai năm nay, chỉ trong vòng hai ngày, tôi đã mất đi hai người bạn cùng sinh năm 1941: Nguyễn Ngọc Kiểm, bút danh Ngọc Hoài Phương, và Bùi Hồng Sĩ. Một lúc ồ ạt những hình ảnh xưa cũ – những sự kiện trồi lên từ ký ức xâm chiếm liên tục, lúc hiện rõ ra dần, rồi mờ đi và biến mất; lúc chồng lấn lên nhau dầy cộm đến nghẹt thở…Tôi ở trong trạng thái tê bại toàn thân, chết lặng người đi như bị lôi cuốn vào một cơn mộng du miệt mài không sao cưỡng lại được.
Trong niềm xúc động bồi hồi tràn ngập ấy, tâm tư lập tức thúc đẩy tôi viết ngay về Bùi Hồng Sĩ trước.
Dường như trong độ khoảng hai năm 1962- 1963, ngụp lặn trong bầu không gian sống đầy những chộn rộn sôi nổi giữa xã hội Sài Gòn, tôi và Bùi Hồng Sĩ đã từng nhiều lần ở lỳ luôn trong nhà của nhau hằng tháng trời là thường. Và một số chi tiết còn nảy ra từ ký ức ở tôi như: Có những buổi sáng, tụi tôi đang ngủ ‘nướng’ trên gác. Bọn nhóc em của Sĩ đói quá kêu réo đòi ăn, bà ngoại và mẹ Sĩ thay phiên nhau nạt: ” Đợi hai anh dậy xuống nhà đã, tụi mày mới được động đũa!”
Vốn bị chứng mất ngủ hành, tối nào ông cụ thân sinh ra Sĩ cũng uống thuốc an thần Valium và nằm dật dờ trên trường kỷ ngoài phòng khách. Có một điều đặc biệt là hai cha con Sĩ tính khí đều rất kiệm lời nhưng đồng thời lại xem ra khắc khẩu với nhau. Tôi thấy Sĩ chưa chủ động muốn tiếp cận với cha mình bao giờ . Riêng tôi thì hễ rảnh là xuống hầu chuyện ông. Nói chung là vậy nhưng thường ra thì ông mắt cứ nhắm hờ mà miệng lại rì rầm kể hết chuyện này sang chuyện khác. Còn tôi chỉ thụ động ngồi nghe, luôn luôn bị cuốn hút vào những sự tích sinh động của câu chuyện.
Sâu đậm nhất mà tôi còn nhớ được là mấy chuyện ông đi bộ đội Việt Minh năm 1946. Chuyện Cộng sản Việt ngầm tiêu diệt dần đi các thành viên đảng phái khác để độc chiếm công kháng chiến chống Pháp trong thời kỳ 1946-1953. Chuyện ông đem cả gia đình về lại Đà Nẵng, rồi sau đó vào sinh nhai hẳn trong Nam, năm 1951.
Có mấy buổi sáng, ông cụ lọ mọ lên gác gãi vào bàn chân tôi để rủ đi ăn phở ngay ngoài đầu ngõ, giáp với đường Trương Minh Giảng. Rồi sau khi hớp xong một ngụm cà phê tráng miệng, ông cụ đứng dậy ra trả tiền rồi dúi vào tay tôi mấy ngàn: “Cho tụi mày tiêu với nhau,” ông nói vậy trước khi lên xe đi làm. Tự hiểu ngầm hàm ý của hành vi ấy là ông muốn trao tiền quà vặt cho đứa con trai lớn nên khi trở về nhà, đợi Sĩ thức dậy là tôi lại giao số tiền ấy cho anh.
Mấy năm chót của thập niên 1960 sang đến 1970, những vụ Việt Cộng ám sát xảy ra mỗi lúc một nhiều, ngay tại Sài Gòn. Riêng trong lãnh vực học đường, tôi còn nhớ thời ấy có mấy vụ nổi bật như sinh viên y khoa tên Trần Quốc Chương, con của thẩm phán Tối cao Pháp viện Trần Thúc Linh bị xô từ lầu cao của trường Y Khoa Sài Gòn xuống đất chết, năm 1967. Như sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật bị bắn ngay tại khuôn viên trường Luật Khoa giữa năm 1971. Riêng tại Văn Khoa thì phải chịu đựng tới những hai vụ ám sát: Tháng Mười Hai năm 1967, Ngô Vương Toại bị bắn vào bụng, đứt bốn khúc ruột; rồi cùng tháng đó năm sau, 1968, Bùi Hồng Sĩ lại bị bắn lén vào sau gáy trong khi ngồi sau chiếc mobilette do Đào Trường Phúc lái đang đậu ngay cổng trường đợi vượt sang lằn xe đi về bên trái. Thế mà might mắn sao, cả hai đều thoát chết.
Nhưng đặc biệt tôi nhớ được giai đoạn này là vì có nhiều sự kiện khác liên quan: Chẳng hạn như chính nhờ vào sự kiện chết hụt này mà sang năm sau, năm 1969, Sĩ chính thức lấy vợ, dẹp bỏ đi mấy đám dạm ngõ hay đám hỏi trước đấy của anh. Và chính tôi đã thành phù rể cho Sĩ! Hai đứa chúng tôi còn cùng vào học khóa 3-70/ SQTB Thủ Đức đúng theo lệnh Tổng Động Viên.
Năm 1972, Sĩ ra ứng cử Dân biểu nhưng không thành. Rồi tháng ba 1973, hai đứa cùng về phục vụ tại Phái đoàn Quân Sự bốn bên rồi hai bên. Và đến cuối năm đó thì Sĩ được biệt phái về bộ Thông tin – Dân vận – Chiêu hồi, để ra nhận lãnh chức vụ Đại diện Thông Tin vùng Một kiêm Trưởng ty Thừa Thiên – Huế.
Nhưng đến sau tháng Năm 1975, hai đứa tôi bằn bặt tin của nhau trong một trường hỗn loạn sống chết bất ngờ cho cả nước. Mãi tới giữa năm 1981, tôi được gia đình ông anh ruột ở Houston, Texas bảo lãnh từ trại tỵ nạn sang tái định cư. Cứ trung bình một vài lần là Sĩ từ Nam Cali gọi phôn sang thúc giục, mà tôi thì bận tíu tít vì phải giọn đổi nhà cũng như hằng ngày ra phụ vợ chồng ông anh bán hàng ở một tiệm tạp hóa.
Cuối năm đó, tôi mới thu xếp ổn thỏa và đáp máy bay sang phi trường John Wayne, Quận Cam. Nhìn qua cửa sổ phi cơ, tôi chăm chú kiếm mãi mà chỉ nhác thấy một người xa trông quen quen. Hắn đứng trên ban công trống của phi trường ngó xuống, tóc hắn bạc trắng! Rời phi cơ, đi xuống tới gần, tôi mới nhận ra anh chàng ấy chính là Sĩ, bạn thân của tôi, hắn xem ra cũng đang bồn chồn ngóng đón tôi. Hắn lái xe, còn tôi ngồi bên cạnh, hai đứa liên tục nói chuyện linh tinh, chẳng chuyện nào rõ ra chuyện nào cả, bởi cả hai đều tởi mở mừng rỡ mà lấn bấn bối rối trong bụng. Đến nỗi hắn lái trên xa lộ mà ngược hướng, xuống tận Mission Viejo mới phái giác ra là đã lạc đường, phải quay trở lại, về nhà Sĩ ở Lengthy Seaside!
Thế rồi cứ vậy trên bốn mươi năm trôi qua, mặc dù cùng cư ngụ tại miền Nam Cali, nhưng thi thoảng trung bình một vài tháng phải nhân dịp gì đấy hai đứa gặp nhau là tự nhiên bù khú. Ngoài ra chúng tôi đều cùng quay quắt – bươn trải trong hai cuộc sống khác hẳn nhau: Từ việc đổi rời nhà ở tới công ăn việc làm, từ sinh hoạt gia cảnh lẫn giao tiếp hằng ngày, lu bu mỗi đứa một phận… Cho đến chiều thứ hai, 27 Tháng Hai, 2023 vừa qua, tôi mới nghe tin Sĩ đã qua đời vào sáng sớm hôm ấy.
Tôi gọi cellphone sang Atlanta báo tin cho Võ Văn Lượng biết. Hẫng đi trong im lặng, Lượng mới cất giọng ồ ề nói: “Bây giờ đã có một thằng của nhóm Tứ Tiêu Dao bắt đầu vắng bóng!”
Tôi chợt động tâm, rồi ồ ạt một dây những liên tưởng xuất hiện trong trí. Bốn tên sinh viên ban Triết Văn Khoa Sài Gòn thủa ấy, trong một tình cờ nào đó, và vào lúc nào cũng không còn nhớ, nhưng chắc chắn là độ cuối năm 1963, trong một buổi tụ họp vui chơi với nhau, không biết sao bốn đứa lại đã tự nhận là nhóm bạn kết nghĩa với cái tên “Tứ Tiêu Dao.”
Bây giờ, bồi hồi miên man gậm nhấm ký ức, tôi phải gom góp lại để có thể trình bày một cách lớp lang hơn. Nghĩa là đại khái chúng tôi bốn đứa vốn sẵn đã quá nhiều những khác biệt nhau. Chẳng hạn như gốc gác phát xuất thì một từ Quảng Ngãi, một Quảng Nam, một Đà Nẵng và một từ ngoài Bắc di cư vào. Tiếng nói phát âm cũng khác. Gia cảnh lại càng cách biệt hơn nữa. Nhưng đồng thời, chúng tôi lại hội tụ được những thứ như: Tất cả ngày sinh tháng đẻ thực thụ của từng đứa một trong bốn cá nhân chúng tôi đều sai khác hẳn so với những chi tiết đã được ghi rành rành trong giấy Thế Vì Khai Sinh riêng của nhau.