LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc Giả Viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi e mail: [email protected].

Đào Hiếu

Có nơi còn bắt nhân viên bãi giữ xe gắn máy cũng cúi chào như vậy. (Hình minh họa: Jung Yeon-Je/AFP through Getty Photographs)

mỗi khi khách đến giao dịch hay mua sắm đều được hai hàng nam nữ nhân viên mặc đồng phục đứng xếp hàng hai bên lối vào, cúi rạp người chào “Thượng Đế.”

Trước 75, ở ngoài Bắc, hồi còn bao cấp, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đều được gọi chung là nhu yếu phẩm. Tất cả chỉ được bán trong cửa hàng của nhà nước. Ai muốn mua phải có tem phiếu, phải xếp hàng. Và chỉ được mua những thứ có trong tiêu chuẩn với số lượng được quy định.

Mua nhu yếu phẩm là một ân huệ được ban phát. Nhu yếu phẩm là lẽ sống. Kẻ nào bị “mất sổ gạo,” mất tem phiếu coi như đói. Chính vì thế mà các cô bán hàng (mậu dịch viên) coi khách hàng (dân thường) như lũ ăn mày. Các cô quát nạt, bắt bẻ, muốn đưa hàng kém chất lượng, muốn cân thiếu… cũng chẳng ai dám phàn nàn. Người dân phải cắn răng chịu nhục để có cái ăn, sống qua ngày.

Thế rồi “giải phóng.”

30 Tháng Tư, 1975.

Những năm đầu, nền kinh tế tan nát, kiệt quệ. Chế độ tem phiếu vẫn còn. Cửa hàng mậu dịch vẫn còn. Quát nạt, chửi mắng vẫn còn!

Tệ nạn ấy lây lan vô miền Nam. Tràn ngập Sài Gòn. Dân miền Nam cũng biến thành lũ ăn mày khi đi mua nhu yếu phẩm.

Thế rồi đổi mới. Võ Văn Kiệt!

Các tệ nạn giảm dần theo đà phát triển của nền kinh tế, của hàng hóa.

Trong vòng 20 năm trở lại đây hàng hóa rất phong phú. Khách hàng không còn là lũ ăn mày mà được “thổi” lên thành “Thượng Đế.”

Mười năm trở lại đây, tại các siêu thị, các công ty tư nhân, các ngân hàng… mỗi khi khách đến giao dịch hay mua sắm đều được hai hàng nam nữ nhân viên mặc đồng phục đứng xếp hàng hai bên lối vào, cúi rạp người chào “Thượng Đế.”

Nhiều người thấy vậy khen nức nở.

Sao lại không khen chứ!

Từ vị trí của thằng ăn mày vọt lên vị trí của Thượng Đế. Từ bị mắng mỏ, quát nạt nay được cúi chào (có nơi còn tung hô vạn tuế, có nơi còn bắt nhân viên nam nữ – đang ngồi bên bàn làm việc – phải đứng lên, đưa bàn tay phải đặt lên ngực, chỗ có trái tim, rồi cúi gập người xuống chào khách).

Có nơi còn bắt nhân viên bãi giữ xe gắn máy cũng cúi chào như vậy.

Rõ ràng là các ông/bà chủ (cả nhà nước lẫn tư nhân) đều quay 180 độ.

Đổi mới như thế bảo sao không có nhiều người khen nức nở.

Hóa ra các sếp đếu bắt chước Nhật Bản và Hàn Quốc, có lẽ vì quý vị ấy nghĩ đó là văn minh, hiện đại.

.

Tôi từng đi công tác, đi du lịch nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nga… tôi cũng vô các siêu thị, các nhà hàng ăn uống sang trọng, các công ty, các ngân hàng… tôi thấy không một nơi nào có cái kiểu bắt nhân viên xếp hàng hai bên lối đi cúi chào khách như thế.

Càng không có chuyện các nhân viên công ty đang ngồi tại bàn làm việc phải đứng lên đặt bàn tay phải lên chỗ trái tim và gập mình xuống.

Bộ các nước Âu, Mỹ… họ không văn minh hiện đại sao?

Bản thân tôi, khi được tiếp đón kiểu đó, tôi không hề cảm thấy vinh dự hay được tôn trọng mà thấy đang phải chứng kiến một thứ nghi lễ màu mè, khách sáo của thời phong kiến xa xưa. Tất cả chỉ vì các ông/bà chủ muốn bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều lợi nhuận. Nhiều lúc chứng kiến cảnh đó tôi tức giận, cảm thấy bị coi thường như đứa con nít, bị dụ khị cho kẹo, bị lừa… như một thằng ngốc.

Cho nên ai khen thì cứ khen.

Tôi chê!

Và tôi thương cảm cho những người lao động. Vì nghèo, vì miếng cơm manh áo mà phải bị các ông/bà chủ biến mình thành những con rối.

Tự hỏi: Tại sao các nước văn minh Âu Mỹ không có cái trò bắt nhân viên chào hỏi khách hàng kiểu đó mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… lại vẫn duy trì thứ lễ nghi rườm rà, máy móc và “nặng phần trình diễn” ấy?

Thôi rồi! Tất cả đều do cái “Đầu óc phong kiến Tàu” từ ngàn xưa. Nó đã nhiễm vào trong máu, vào tận xương tủy rồi!

.

Sáng nay tôi đi siêu thị. Vừa dừng xe nơi bãi, đã thấy ông già giữ xe bước đến, tay phải đặt lên ngực, chỗ trái tim, cúi chào rồi đưa thẻ giữ xe cho tôi. Tôi bắt tay ông, cười và nói:

-Bác đâu cần phải làm như thế. Khách đến siêu thị chỉ cần mua được hàng tươi tốt, giá cả hợp lý là đủ rồi. Người ta trả lương cho bác bao nhiêu mà bác phải cực khổ vậy?!

Ông già nắm chặt bàn tay tôi và nói:

-Phải chi các ông bà chủ cũng nghĩ như chú thì đỡ cho những người nghèo như chúng tôi biết bao nhiêu.

Ngày 29/6/2022

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here